Breaking News
Loading...
Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Thuộc về bí mật quân sự, tên lửa mặt đất Scud của Việt Nam mới chỉ được tiết lộ mấy năm gần đây dù nó đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1979.
 
Tên lửa mặt đất Scud
 
Các tài liệu mới công bố gần đây cho thấy từ năm 1979, quân đội Việt Nam đã sở hữu một hệ thống tên lửa mặt đất tầm ngắn loại R-17 gồm 12 xe phóng cùng một số tên lửa đủ trang bị cho một lữ đoàn.
Sau đó, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, năm 1981, Việt Nam đã nhận được 4 bệ phóng di động cùng 25 quả đạn Scud. Tuy nhiên các năm tiếp theo không có số liệu nên không rõ Việt Nam có nhận được tiếp hay chỉ có 25 quả.
Loại tên lửa này theo cách gọi của khối NATO là tên lửa Scud – B. Thực chất ở Liên Xô nó được gọi với tên đầy đủ là “hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật 9K72” với 2 phiên bản là R-11 và R-17. 


Tên lửa Scud của Việt Nam.
R-11 được NATO gọi là Scud-A còn R-17 được gọi là Scud-B. Scud-A ra đời năm 1950 còn Scud-B là loại được cải tiến từ Scud-A năm 1958.
Tên lửa Scud-B có chiều dài 11,25m, đường kính thân 0,88m, trọng lượng phóng 5,9 tấn. Tên lửa trang bị động cơ nhiên liệu lỏng Isayev RD-21 (thành phần nhiên liệu gồm chất cháy TM-185, chất oxy hóa AK-27I và nhiên liệu phóng TG-02). 
Hệ thống dẫn đường sử dụng 3 con quay hồi chuyển cho phép đạt độ chính xác tương đối, bán kính lệch mục tiêu 450m (phương Tây cho rằng con số vào khoảng 900m). 
Scud-B thiết kế mang đầu đạn thuốc nổ thường nặng 985 kg hoặc đầu đạn hạt nhân 5-70 kiloton hoặc đầu đạn hóa học. Với đầu đạn thuốc nổ, tốc độ va chạm 1,4km/s sẽ tạo ra hố sâu 1,5-4m, rộng 12m. Tên lửa có khả năng đạt tầm bắn tới 270km. Các biến thể cải tiến sau này có thể tăng tầm lên 300km hoặc 500-600km. 
Đạn tên lửa Scud B được đặt trên bệ phóng di động 9P117 Uragan dựa trên khung gầm cơ sở xe vận tải hạng nặng MAZ-543. Khi phóng, tên lửa sẽ được khung nâng đạn dựng thẳng đứng và bắn đi (trước đó tên lửa cần khoảng thời gian để nạp nhiên liệu phóng, nạp thông số mục tiêu). 
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam đã hợp tác với Triều Tiên để tiếp tục khai thác và sử dụng tên lửa Scud. Trong năm 1994, các chuyến thăm của Đại tướng Đoàn Khuê – Bộ trưởng BQP Việt Nam sang Bình Nhưỡng và Phó Nguyên soái Choe Kwang – Tổng Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên sang Hà Nội đã đi đến một thỏa thuận mua bán vũ khí.
2 năm sau, Việt Nam và Triều Tiên ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 100 triệu USD trong đó Triều Tiên bán vũ khí còn Việt Nam thanh toán bằng gạo.
Các nguồn tin cho biết tên lửa Scud đã được thảo luận trong thời điểm này. Đến tháng 4/1999, các tin tức dự đoán Việt Nam đã mua một số tên lửa đối đất Scud-C của Triều Tiên. Loại tên lửa này chứa đầu đạn nặng 770 kg với tầm bắn 550 km.
Như vậy, lịch sử xuất hiện của tên lửa Scud ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1979 và liên tục cho tới hiện tại. 

Lữ đoàn B90
 
Các tên lửa Scud của Việt Nam hiện do Lữ đoàn B90 thuộc Binh chủng Pháo binh khai thác sử dụng. Theo các thông tin đã công khai thì đơn vị này cũng là đơn vị tên lửa mặt đất duy nhất của Việt Nam.
Mặc dù trình độ khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, Việt Nam vẫn nỗ lực nghiên cứu để làm chủ kỹ thuật tên lửa. Đối với riêng tên lửa Scud, Việt Nam hiện đã đạt những thành tựu quan trọng. Theo một phim tài liệu của VTV phát năm 2012 thì trong quá trình khai thác sử dụng tên lửa Scud, Việt Nam đã thực hiện một số cải tiến kỹ thuật. Cụ thể như chế tạo bơm hút lọc nhiên liệu và đặc biệt là nghiên cứu chế tạo thành công nhiên liệu cho tên lửa. 

Khám phá loại tên lửa mặt đất uy lực nhất Việt Nam - Ảnh 2

Khai thác và sử dụng tên lửa Scud ở Lữ đoàn B90.

Theo báo Quân đội nhân dân, Để chủ động sản xuất nguồn nhiên liệu trong nước, hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là kịp thời đồng bộ cho nhiên liệu và khí tài tên lửa, các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất, đồng thời xây dựng được dây chuyền sản xuất chất O từ nguyên liệu là a-xít HNO3 trong nước.
Trên cơ sở phân tích thành phần nhiên liệu do nước ngoài sản xuất về thành phần, chỉ tiêu kỹ thuật bằng các phương pháp, trang bị hiện đại, nhóm tác giả đã thực hiện thành công việc tổng hợp chất O trong phòng thí nghiệm, từ đó xác định được các yếu tố công nghệ để sản xuất ở quy mô nhỏ và quy mô công nghiệp. 

Khám phá loại tên lửa mặt đất uy lực nhất Việt Nam - Ảnh 3

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với tên lửa Scud.

Các tác giả đã thiết kế, chế tạo và lắp đặt đồng bộ dây chuyền công nghệ sản xuất nhiên liệu trên cơ sở dây chuyền phục hồi chất O tại nhà máy A31 (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân); xây dựng chỉ tiêu kỹ thuật sản phẩm và quy trình công nghệ sản xuất chất O với chất lượng sản phẩm tương đương nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại.
Dây chuyền được thiết kế với công suất hàng chục tấn/năm, hiện đã đi vào sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiên liệu lỏng để đồng bộ với hệ thống khí tài tên lửa, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao.
Những thông tin vừa nêu cho thấy Việt Nam đã có kinh nghiệm mấy chục năm khai thác sử dụng tên lửa mặt đất chiến thuật. Hiện tại, trước yêu cầu của tình hình mới, quân đội Việt Nam đang được đầu tư hiện đại hóa mạnh mẽ. Do đó rất có thể ngoài tên lửa Scud, đã có những loại tên lửa mặt đất khác nằm trong biên chế Lục quân Việt Nam mà do tính chất bí mật của lĩnh vực quốc phòng, chúng ta chưa biết đến.
 Trần Vũ (Nguoiduatin.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét