Breaking News
Loading...
Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Họ là những người có tinh thần thép nơi đầu sóng. Nhưng họ không chỉ đoàn kết, kiên định, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy trong việc thực hiện nhiệm vụ chấp pháp tại vùng biển chủ quyền, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ngoài những lúc làm nhiệm vụ, những chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam hòa đồng, coi nhau như anh em ruột thịt…


 

Căng như dây đàn

Ứng phó linh hoạt là cảm nhận của tôi về lực lượng cảnh sát biển Việt Nam khi tác nghiệp trên tàu CSB 8001. Thiếu tá - thuyền trưởng Nguyễn Đức Tuyên cho biết: Cán bộ, chiến sĩ điều khiển máy móc phải tổ chức đi ca 24/24 giờ hằng ngày. Tập trung quan sát hàng hải trên tàu, kíp trưởng thường xuyên theo dõi bằng khí tài như rađa, máy móc nhận dạng mục tiêu, kết hợp ống nhòm, mắt thường để kiểm tra khu vực xung quanh. Phát hiện sớm mục tiêu có thể chủ động xử lý. “Mình phải kiên trì, linh hoạt, cơ động phòng tránh thực hiện mục tiêu bám thực địa lâu ngày để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuyệt đối không để các tàu hộ tống của Trung Quốc tạo cớ gây hấn” - thiếu tá Tuyên khẳng định.
Những ngày gần đây, ở Hoàng Sa, tàu hộ vệ tên lửa, đặc biệt là hai tàu hải cảnh HJ37102, 3411 của Trung Quốc liên tục “để mắt” tới các tàu CSB. Khi tàu CSB tiếp cận gần khu vực giàn khoan ở khoảng cách 12 hải lý (hơn 20km) thì những tàu trên đã mở tốc độ lao thẳng vào như kiểu trâu điên. Tuy nhiên, mọi âm mưu, hành động của chúng khó lọt qua mắt thuyền trưởng Tuyên, cũng như thuyền phó - thượng úy Nguyễn Lê Quốc Thi. Từ lãnh đạo chỉ huy, các sĩ quan, đến chiến sĩ luôn trong tình trạng tập trung cao độ. Đại úy Bùi Mạnh Hùng - Chính trị viên tàu CSB 8001 làm việc như con ong cần mẫn, theo dõi từng giây, từng phút để nắm chắc những biến động, dịch chuyển của giàn khoan, của những tàu hộ tống luôn hung hãn, sẵn sàng ức hiếp tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam...
Hai anh em cùng là CSB
Trên con tàu CSB này, tôi gặp Phan Định - nhân viên báo vụ. Định có nụ cười hiền hậu, giọng nói rắn rỏi của người dân vùng biển; suy nghĩ, hành động của anh trong công việc cũng như cuộc sống đời thường đều toát lên tính cách chất phác, mộc mạc. Ngoài chuyên môn, Định luôn xông xáo hỗ trợ các chiến sĩ làm bếp mỗi khi rảnh rỗi. Những con cá vớt từ biển lên trong đêm tối, tẩm ướp, hong phơi để mọi người trên tàu cải thiện bữa ăn có bàn tay của Định. Rạng sáng 29.5, Định nhận được tin vui từ đất liền: Vợ anh - chị Đặng Thị Chung - làm việc tại Cty CP đầu tư phát triển caosu Nghệ An, vừa sinh một đứa con có cái “vòi ấm”.
Mối tình Định - Chung trải qua sóng gió, vào giữa tháng 5.2008, Chung báo cho người yêu biết em trai mình bị tai nạn. Định phóng xe máy từ nhà (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vượt gần 100km trong đêm mưa tầm tã ra Nghệ An thăm “em vợ tương lai” nhưng không may bị tai nạn ở TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). “Từ đây, bố Định kịch liệt phản đối tình yêu của hai người vì ông cho rằng nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn đối với con trai ông là thuộc về Chung. Định tự thuyết phục rồi nhờ mẹ, các chú, dì “năn nỉ” nhưng cha anh lắc đầu. “Cùng đường, giữa tháng 6.2009, em nói bố không đi hỏi vợ cho con, con nhờ mẹ, nhờ các chú. Em tự chuẩn bị chu đáo mọi lễ vật cho ngày chạm ngõ vào 20.6.2009. Đến trước giờ “G” cha gọi em lại, ông tâm sự cũng chỉ vì thương con nên cha phản ứng như vậy. Nhưng cha đã nghĩ lại. Vậy rồi chúng em nên nghĩa vợ chồng sau 7 năm yêu nhau”
Chiên sĩ hà Đức Huy (quê Đông Vinh, Đông Hưng, Thái Bình điện thoại vệ tinh về hỏi thăm sức khoẻ gia đinh)
Tình yêu của người lính biển và cô gái xứ Nghệ cứ xa nhau biền biệt. “Lần đầu vợ em sinh cháu gái, em đang đi công tác. Lần này, khi vợ chuẩn bị sinh cứ nằng nặc muốn có chồng ở bên cạnh, nhưng rồi em lại lên đường đi Hoàng Sa. Biết tin mẹ tròn con vuông là em vững tin để tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình ở nơi đầu sóng” - Phan Định cho biết. anh ruột của Định là Phan Hiệp cũng đang ở trên tàu CSB 4031 làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa. Hai anh em tuy không ở bên cạnh nhau, nhưng Hiệp - Định có thể liên lạc qua điện thoại nội bộ để chia sẻ tình cảm, động viên nhau cùng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để góp phần thực hiện thành công việc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, rút đội tàu hộ tống khỏi thềm lục địa của nước ta.
Nồng ấm tình đồng đội
Tôi kéo đại úy Ngô Vĩnh Hòa - thủy thủ trưởng tàu CSB - ra phía sau lái tàu ngồi trò chuyện. Ánh trăng hạ tuần chiếu xuống mặt biển rồi vấp vào những lớp sóng lăn tăn tạo nên thứ ánh sáng bàng bạc sinh động. Đó cũng là lúc con người quay trở về với cuộc sống riêng của chính mình. Đại úy Ngô Vĩnh Hòa lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn, sống nội tâm. Cha anh người Đà Nẵng, tập kết ra Bắc rồi gặp mẹ anh, một cô gái đất cảng Hải Phòng. Hai người có đặc điểm chung, cùng sinh ra và lớn lên ở nơi giáp biển, vậy nên họ sớm tìm thấy sự đồng điệu rồi kết thành duyên nghĩa vợ chồng. 
Sự kết hợp của hai dòng máu đó sinh ra người con Ngô Vĩnh Hòa vừa lớn lên đã gắn đời mình với nghiệp lính biển, thường xuyên phải sống xa gia đình, người thân, bạn bè. Đại úy Hòa tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ đi Hoàng Sa, mình không dám nói cho cha mẹ, vợ con biết mà chỉ thông báo là đi công tác theo nhiệm vụ trên giao, chưa rõ đi đâu, đến bao giờ trở về. Nghiệp lính là vậy, phải làm sao để vợ con, người thân vững tin cho mình yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do đơn vị giao phó”.
Liếc “trộm” qua màn hình điện thoại của một chiến sĩ quê Hải Phòng khác, tôi đọc được dòng tin nhắn chưa gửi rằng: “Lúc này đây, anh càng muốn mình phải cứng rắn hơn em ạ. Anh nghĩ rằng, mình cần phải hành động, một mặt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mặt khác để anh không hổ thẹn với bản thân mình, với gia đình, đồng đội và với tổ quốc. Em yên tâm, rồi anh sẽ sớm quay về với em yêu, các con và người thân thôi. Em giữ gìn sức khỏe và chăm các con em nhé”. Đọc xong dòng tin nhắn, tôi lân la làm quen. Biết bị lộ “bí mật”, anh nhất định không muốn đưa tên mình lên báo, tôi đồng ý nhưng muốn được anh chia sẻ cảm xúc của mình. Anh kể: “Tôi soạn tin nhắn này từ trước lúc đi Hoàng Sa, không biết bao lần định ấn nút send nhưng rồi lại ngập ngừng dừng lại. Tôi nghĩ, người lính cũng có trái tim chứa đựng tình yêu thương nóng bỏng. Song khác ở chỗ, chúng tôi phải biết kiềm chế cảm xúc đó trong những thời khắc quan trọng như thế này”.
Thượng úy Nguyễn Lê Quốc Thi - thuyền phó tàu CSB - cho biết: Khi nhận nhiệm vụ này, bên Đoàn thanh niên cũng có họp mặt anh em trong Chi đoàn để quán triệt nhiệm vụ và động viên anh em xác định tư tưởng, nhiệm vụ của mình trong chuyến công tác. Bên cạnh đó, chúng tôi phát động phong trào thi đua để anh em nỗ lực phấn đấu, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền sẽ có phần thưởng. “Đi biển thế này, anh em chúng tôi xác định một điều là, tất cả mọi thông tin mình phải giữ. Ở hậu phương, nhiều thanh niên có người yêu, người thân hoặc có công việc trong gia đình nhưng không liên lạc được với đất liền, nên có thể họ bị dao động. Vậy nên mình phải quan tâm động viên các chiến sĩ để họ làm tốt nhiệm vụ. Khi đi biển, những lúc rảnh rỗi, Chi đoàn tổ chức cho anh em xem thời sự, hát karaoke tạo không khi vui vẻ, nồng ấm tình đồng đội”.
Rời Hoàng Sa, tôi nhớ như in từng gương mặt trên con tàu CSB 8001. Chúc các anh tiếp tục vững tin để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình ở nơi đầu sóng.

 

Nguồn:laodong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét