“The South China Sea Standoff: The U.S must get-off the sidelines” - tạm dịch: "Tranh chấp trên biển Đông: Mỹ đừng đứng ngoài lề nữa" là tựa bài viết trên trang Daily.caller.com của luật sư Paul J. Leaf thuộc một công ty luật quốc tế, một bình luận viên về chính sách đối ngoại của Mỹ và là cựu biên tập tạp chí Stanford Law Review.
Bắc Kinh chọc ghẹo, Washington chưa phản ứng
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến thăm châu Á, nhằm tái củng cố lời hứa dấn thân của Mỹ về lục địa này, trước sự đe dọa từ Trung Quốc ngày càng tăng. Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam để dấn thêm việc đòi chủ quyền trên vùng biển tranh chấp và kiểm tra sự quyết tâm của Mỹ.
Trung Quốc ngang ngược bành trướng quyền kiểm soát biển Đông và biển Hoa Đông, gây bất đồng với các nước trong hai khu vực này. Xuyên suốt năm 2011, Trung Quốc bắt nạt thuyền đánh cá và tàu khai thác dầu của Việt Nam.
Hồi tháng 6.2012, sau khi Việt Nam và Ấn Độ đồng ý cùng khai thác dầu thô trên biển Đông, tàu hải quân Trung Quốc đã bám đuổi tàu Ấn Độ đang di chuyển trên hải phận quốc tế giữa Philippines và Hàn Quốc.
Giữa năm 2012, Trung Quốc xua đuổi tàu Philippines khỏi bãi cạn Scarborough vốn gần Philippines hơn Trung Quốc.
Tháng 11.2013, Trung Quốc mở rộng Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên các khu vực biển Hoa Đông thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Tháng 3.2014, Trung Quốc chặn tàu Philippines tiếp tế lương thực và thay kíp trực trên một chiếc tàu mắc cạn trong vùng tranh chấp.
Vì bận tâm vấn đề ngân sách quốc gia và các cuộc khủng hoảng ngoại giao ngoài châu Á, Mỹ ít có phản ứng trước những o ép của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc nhắm đòi quyền lợi vụn vặt để không gây ra một phản ứng mạnh mẽ của Mỹ.
Lý do chuyến thăm châu Á của ông Obama là để bảo đảm cam kết giữ gìn an ninh của Mỹ vẫn mạnh, nhưng Bắc Kinh không cảm thấy bị thuyết phục.
Ngày 2.5, chỉ 3 ngày sau khi ông Obama kết thúc chuyến thăm châu Á, Trung Quốc đưa giàn khoan nhà nước vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tàu Việt Nam ngăn chặn và một số trong 80 tàu hộ tống giàn khoan đã đâm vào tàu Việt Nam, rồi còn xịt nước. Cuộc đối đầu trên biển này vẫn kéo dài, Bắc Kinh dự kiến hạ đặt giàn khoan trong lãnh hải Việt Nam đến ngày 15.8 tới.
Bắc Kinh đang đo độ cương quyết của Washington trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng bá quyền của họ. Trung Quốc muốn kiểm soát nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng biển tranh chấp và tuyến thương mại đầy giá trị.
Vì thế, Trung Quốc muốn thu tóm các tài nguyên này bằng cách bắt nạt Việt Nam, đồng thời buộc Mỹ đứng bên lề, để khoe khoang rằng họ có thể thực hiện một loạt hành động thù địch mà Mỹ cùng các đối tác không thể ngăn chặn.
Mỹ và châu Á cùng phản ứng, Trung Quốc sẽ im tiếng
Một phản ứng đa phương mạnh mẽ là cần thiết để tránh khủng hoảng tăng thêm, chứng minh tính hung hăng của Trung Quốc chỉ khiến các nước chống lại họ sáp lại gần nhau và gần Mỹ hơn.
Trò đối đầu lì lợm của Trung Quốc sẽ tiếp tục cho đến khi họ đoạt thế thượng phong của Mỹ ở châu Á, hoặc khi họ gặp phải một khối cân bằng đầy quyết tâm.
Mỹ và các đối tác châu Á cần cùng phản ứng thái độ khiêu khích của Trung Quốc.
Thứ nhất, Trung Quốc phải nhận ra rằng việc gia tăng căng thẳng sẽ rất tốn kém. Mỹ nên tuyên bố rằng nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực, Mỹ sẽ triển khai hỗ trợ hải quân và không quân ở gần giàn khoan, để phục hồi hòa bình và xem xét khả năng trừng phạt các công ty năng lượng Trung Quốc.
Bằng cách triển khai tàu gần giàn khoan và đáp trả bằng vòi rồng xịt nước, Việt Nam đã chứng tỏ họ sẽ sẵn sàng ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng Việt Nam vốn không có thỏa thuận phòng thủ với Mỹ, phải cân nhắc việc sử sụng lực lượng phòng thủ.
Vì thế, Việt Nam nên tiếp tục đối thoại với Trung Quốc để đạt đến một giải pháp phi bạo lực, nhưng cũng không nên đơn phương rút khỏi khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Trong sự cố bãi cạn Scarborough, Mỹ đã làm trung gian một thỏa thuận buộc Trung Quốc và Philippines cùng rút tàu khỏi các vùng nước tranh chấp, nhưng chỉ mỗi Philippines rút và từ đó Trung Quốc kiểm soát bãi này.
Thêm vào đó, Việt Nam nên tiếp tục vận động sự ủng hộ của quốc tế và quy trách nhiệm cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh đề cao uy tín của họ. Như sau khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài về vụ Scarborough, Trung Quốc đã đề nghị rút khỏi khu vực này nếu Philippines đồng ý hoãn việc kiện.
Các nước châu Á khác có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc nên lên án và tuyên bố Trung Quốc có thái độ thù địch, để khiến các nước xích lại gần nhau.
Động thái này đang diễn ra, Philippines gần đây tăng quyền cho Mỹ đến các căn cứ quân sự của họ, đồng ý tăng cường hợp tác hải quân với Việt Nam. Nhật Bản vừa tuyên bố giúp đỡ hàng hải cho Việt Nam và Ấn Độ đề nghị bán vũ khí cho Việt Nam, đồng ý huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Việt Nam.
Mục tiêu của khối đối tác khu vực này là cùng phản ứng khi Trung Quốc nhắm vào một trong số quốc gia này.
Thứ hai, khả năng phòng thủ của Việt Nam, gồm cảnh sát biển và kiểm ngư, cần được tăng cường: mua thêm vũ khí và nhận viện trợ của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là điều cần làm. Từ đó, Mỹ nên xem lại lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Để bổ sung nguồn ngân sách quốc phòng, Việt Nam có thể đề nghị các công ty của các nước trên được hưởng các ưu đãi khi khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên gần lãnh hải Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ, Việt Nam cùng các nước có tranh chấp với Việt Nam nên tiến hành nhiều cuộc tập trận đa phương.
Thứ ba, Việt Nam hãy mời Mỹ trở lại các căn cứ quân sự của Việt Nam. Vì tính nhạy cảm chính trị, Việt Nam có thể duy trì quyền kiểm soát các căn cứ này, nhưng cho phép quân đội Mỹ đến các căn cứ này theo quy định luân phiên, cho phép Mỹ xây cơ sở hạ tầng mới. Mỹ sẽ có thể triển khai sức mạnh vào biển Đông dễ dàng hơn và Trung Quốc sẽ không còn có thể bắt nạt Việt Nam.
Thứ tư, Mỹ nên sớm đạt thỏa thuận thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam, Nhật Bản cùng 9 quốc gia khác vốn chiếm 1/3 thương mại thế giới và khoảng 40% sản lượng toàn cầu. TPP sẽ giúp các nước tham gia ký thỏa thuận có được nhiều hoạt động thương mại và đầu tư hơn.
Ví dụ, vô số công ty dệt may đã chuyển đến Việt Nam có nguồn lao động lãnh lương thấp hơn và TPP sẽ giúp hạ thuế đánh trên sản phẩm này.
Khi các nước thành viên TPP thịnh vượng, họ có thể tăng khoản chi quân sự. Bằng cách tạo ra một thị trường lớn như vậy, thỏa thuận sẽ giúp các nước thành viên giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, cho họ tự do hơn để phản ứng chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Khi Mỹ và các đồng minh phản ứng cương quyết với thái độ hung hăng gần đây của Trung Quốc, Trung Quốc liền rụt lại. Như vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố mở rộng ADIZ, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều đưa máy bay chiến đấu vào vùng này.
Mỹ và Nhật cùng viện trợ quân sự cho các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Nhật đã tăng chi quân sự, soạn chiến lược an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Hàn Quốc mở rộng ADIZ gồm các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là của họ.
Từ đó, Bắc Kinh đã im tiếng về ADIZ và không theo đuổi việc tuyên bố sẽ lập ADIZ ở biển Đông.
Mỹ và các đối tác châu Á nên chứng tỏ họ có thể thường xuyên phản ứng cương quyết với thái độ khiêu khích của Trung Quốc. Nếu không, Bắc Kinh sẽ xem thường sự dấn thân của Mỹ và sẽ tiếp tục âm mưu thống trị châu Á.
Nguồn: dantri
0 nhận xét:
Đăng nhận xét