Hàng ngàn cảnh sát và binh lính đã được triển khai xung quanh thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm Chủ Nhật để ngăn chặn những người biểu tình chống đảo chính tập hợp.
Nhiều khu vực thuộc trung tâm Bangkok đã bị chặn giao thông, nhiều bến tàu hỏa đã bị đóng cửa.
Các nhà hoạt động sử dụng truyền thông xã hội để kêu gọi một cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Quân đội Thái Lan nắm quyền vào ngày 22/5 và bắt giữ các chính trị gia cao cấp trong vài ngày, nói rằng sự ổn định phải được phục hồi sau nhiều tháng bất ổn.
'Tránh thiệt hại'
Các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính đã diễn ra hầu như hàng ngày tại Bangkok, bất chấp lệnh của chính quyền quân sự cấm các cuộc tụ họp chính trị từ năm người trở lên.
Trung tâm thương mại của Bangkok gần như bị bỏ hoang vào ngày Chủ Nhật, sau khi quân đội dán niêm phong để ngăn chặn những gì được dự kiến là một cuộc tụ tập thách thức lớn, theo phóng viên Jonathan Head của BBC tường trình từ trong thành phố.
Phó cảnh sát trưởng Somyot Poompanmoung nói với hãng tin Reuters rằng 5.700 cảnh sát và binh sĩ đã được phái đến nhiều khu vực của thành phố, bao gồm các trung tâm mua sắm, nơi các cuộc biểu tình, tập hợp trước đó từng bùng phát.
"Đó là một trung tâm thương mại và chúng tôi cần phải bảo vệ nhằm tránh bất kỳ thiệt hại nào nếu chính quyền cần phá vỡ một cuộc tập hợp", ông Poompanmoung nói.
Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ có hành động cứng rắn đối với bất cứ ai chống đối chính quyền của họ.
Cho đến nay, chỉ có một số vụ va chạm nhỏ giữa quân đội và người biểu tình, mặc dù một số nhà người bị cáo buộc là lãnh đạo biểu tình đã bị bắt giữ, vẫn theo phóng viên của chúng tôi.
'Bất ổn kéo dài'
Tư lệnh quân đội, Tướng Prayuth Chan-ocha công bố hôm thứ Sáu rằng bầu cử sẽ không được tổ chức trong hơn một năm, để có thời gian hòa giải chính trị và cải cách.
Phe quân sự Thái Lan đã bước ra can thiệp sau sáu tháng bế tắc chính trị, khi nhiều người biểu tình đã tìm cách lật đổ chính phủ của Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra.
Ít nhất 28 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ bất ổn.
Kể từ khi can thiệp bằng sức mạnh, phe quân sự đã triệu tập và bắt giữ hàng chục chính trị gia, trong đó có bà Yingluck, cũng như nhiều nhà báo và học giả.
Bế tắc hiện nay kéo dài từ năm 2006, khi quân đội lật đổ anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, trong một cuộc đảo chính.
Cả hai người đều có sự ủng hộ mạnh mẽ ở các vùng nông thôn và ở miền bắc, là những yếu tố đưa họ tới chiến thắng nhiều cuộc bầu cử liên tiếp.
Tuy nhiên, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu thành thị, vốn tạo thành tâm điểm của phong trào chống chính phủ bắt đầu từ tháng 11/2013, đã phản đối hai anh em chính trị gia một cách kịch liệt.
Nguồn:bbc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét