Breaking News
Loading...
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Kịch bản Trung Quốc trả đũa Việt Nam ít khả năng xảy ra, theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn, bởi lẽ kinh tế hai nước phụ thuộc lẫn nhau và bị ràng buộc bởi WTO


- Căng thẳng Biển Đông leo thang có thể dẫn tới việc Trung Quốc trả đũa kinh tế đối với Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Trong bối cảnh hiện nay, các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau. Bản thân Trung Quốc, tôi nghĩ rằng họ cũng cần phát triển, ổn định. Bên cạnh sự ổn định trong mối quan hệ chính trị, kinh tế với chúng ta, Trung Quốc cần sự ổn định trong mối quan hệ kinh tế, ngoại giao với ASEAN, với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức điều đó và có chính sách, hành động không làm ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại hai nước, qua đó có thể ảnh hưởng quan hệ Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. 
Tuy nhiên, chúng ta luôn phải chủ động và có phương án ứng phó trong mọi tình huống. Phạm vi quan hệ kinh tế giữa hai nước khá rộng, do vậy phạm vi chúng ta cần chuẩn bị ứng phó khá rộng: thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu, đầu tư, các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đình hoãn, thậm chí cả lĩnh vực tài chính - tiền tệ, chẳng hạn như thương mại tiểu ngạch hiện nay chủ yếu sử dụng NDT và VND.

Ông Vũ Viết Ngoạn: "Tăng sức cạnh tranh hàng hoá Việt Nam là nhân tố quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, giảm nhập siêu".
- Vậy kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam nếu tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng như thế này, theo dự liệu của ông?

- Nếu chỉ phân tích ngắn hạn cho riêng năm 2014, theo tôi có hai kịch bản. Thứ nhất, phía Trung Quốc vì lợi ích riêng của họ cũng như vì lợi ích chung của hai nước và khu vực không có thêm các chính sách làm nghiêm trọng thêm quan hệ kinh tế song phương. Trong tình huống này, mục tiêu kinh tế của chúng ta năm nay sẽ không bị ảnh hưởng lớn.
Kịch bản thứ hai, phía Trung Quốc có những chính sách, biện pháp đi ngược lại với lợi ích chung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng quan hệ kinh tế giữa hai nước, mục tiêu phát triển kinh tế 2014 của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tất nhiên, cá nhân tôi nghĩ kịch bản thứ hai ít khả năng xảy ra.
Trong vòng 10 năm, nhập siêu từ Trung Quốc tăng hàng chục lần và lên đến hơn 23 tỷ đôla vào cuối năm ngoái. Theo ông giải pháp Việt Nam cần làm lúc này là gì để cải thiện tình hình?
- Điều quan trọng vẫn phải là tái cơ cấu nền kinh tế. Phải phân tích kỹ lưỡng chúng ta xuất sang Trung Quốc những mặt hàng gì và nhập những gì. Trong số những mặt hàng xuất sang Trung Quốc, riêng nông sản đã chiếm khoảng 30%. Chúng ta nhập từ Trung Quốc thiết bị, máy móc và khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Đáng lưu ý là ngoài những mặt hàng trên, chúng ta nhập khẩu không ít những thứ mà trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được. Vì vậy, trước tiên cần tăng sức cạnh tranh và nâng cao sản xuất mặt hàng trong nước có thể sản xuất. Không nhất thiết chúng ta phải nhập những mặt hàng đơn giản như đôi đũa, cái tăm. Tăng năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, theo tôi, là nhân tố quan trọng nhất.

* Không lẽ chúng ta cứ phải nhập cái cúc để may chiếc áo?

Thứ hai, cần phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực hiện nay chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Nếu không phát triển công nghiệp phụ trợ mà chỉ nhập nguyên phụ liệu và linh kiện để lắp ráp thì kinh tế không phát triển, vì giá trị gia tăng của công nghiệp lắp ráp rất thấp. Hơn nữa, kinh tế của chúng ta sẽ phụ thuộc vào bên ngoài. 
Thứ ba, chúng ta phải đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa nhà đầu tư. Khi thu hút đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như các nhà đầu tư là các tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta cần thỏa thuận và có chính sách khuyến khich họ tham gia phát triển các dự án sản xuất nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của họ. Tất cả những yếu tố đó sẽ giúp chúng ta giảm phụ thuộc và giảm nhập siêu từ một thị trường cụ thể.
- Hàng hoá Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, vì sao Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật để hạn chế thưa ông?
- Đúng là chúng ta cần nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật. Nhưng lưu ý là chúng ta đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cần áp dụng hàng rào kỹ thuật như thế nào để đảm bảo tuân thủ cam kết WTO mà không ảnh hưởng cũng như làm tổn thương chính hàng xuất khẩu của chúng ta. Áp dụng hàng rào kỹ thuật như đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo chất lượng hàng hoá... cũng cần tránh ảnh hưởng đến kết cấu hàng hoá trong nước. 
- Tự chủ về kinh tế, tránh lệ thuộc vào nước ngoài, nhất là Trung Quốc, được đặt ra nhiều lần. Ông giải thích thế nào khi đến nay bài toán này vẫn chưa có lời giải?
- Không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra chuyện không nên lệ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào. Chủ trương của Đảng và Nhà nước từ lâu nay là thực thi chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới nhưng đồng thời đảm bảo tính tự chủ. Tất nhiên khái niệm tự chủ trong thời đại toàn cầu hóa không phải là nền kinh tế tự cung tự cấp. Đối với doanh nghiệp cũng vậy thôi. Doanh nghiệp nào mà bị phụ thuộc vào một thị trường cụ thể, một bạn hàng cụ thể thì sớm muộn cũng phá sản.
Tôi nghĩ bây giờ là thời khắc mỗi tổ chức, mỗi cá nhân nhận rõ trách nhiệm mình cần làm. Nếu chúng ta đồng lòng quyết tâm thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ xây dựng một nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa. Tôi nghĩ rằng cần đoàn kết thống nhất cao, đồng thời có nhận thức rõ và chuyển nhận thức đó thành hành động. Như vậy chúng ta mới vượt qua được khó khăn. 

- Vừa qua Thủ tướng khẳng định những điều Trung Quốc nói khác xa với những điều họ làm. Quan điểm của ông thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam nhìn vào hành động của Trung Quốc để đưa ra động thái đúng đắn?
- Đúng là hành động vừa qua của Trung Quốc không phù hợp với cam kết của họ. Chúng ta phân tích tình hình trên khía cạnh vì lợi ích của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tôi cho rằng lợi ích của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc có những điểm rất tương đồng. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì lợi ích của đất nước và dân tộc Trung Quốc thì họ sẽ có hành động thích hợp. Mỗi chúng ta đều có quyền hy vọng.  Tôi nói vậy cũng vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét