Breaking News
Loading...
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định trọng tâm trong dự thảo chính sách ngoại giao mới của Nhật Bản sẽ tập trung tăng cường hỗ trợ hàng hải cho Việt Nam để đối phó với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.


Theo tờ Tiếng nói nước Nga, chiến lược mở rộng ngoại giao của Thủ tướng Abe không nằm ngoài mục đích tái cấu trúc cán cân quân sự trong khu vực cũng như củng cố vị thế của Nhật Bản. 
"Chúng ta sẽ không bao giờ dung thứ cho bất cứ sự thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hay ép buộc", tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Abe. 

Tàu của Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản. 
Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản nhằm ám chỉ tới hành động Trung Quốc lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. 
Kể từ năm 2013, Nhật Bản đã tỏ rõ mong muốn hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong  cuộc chiến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Điển hình, hồi tháng 12/2013, Nhật Bản đã cung cấp 10 tàu tuần tra cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines. Mới đây, Tokyo cũng tuyên bố tiến hành hỗ trợ tương tự cho Việt Nam. 
Hành động trên của giới chức Nhật Bản được đánh giá là mang động cơ chính trị. Bởi lâu nay, Nhật Bản và Trung Quốc đang xảy ra tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đặc biệt, hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của không chỉ Tokyo mà còn các nước trong khu vực và quốc tế bao gồm Mỹ.  
Trong đó, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản. Hồi tháng Tư, trong chuyến thăm tới 4 nước châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc "chủ quyền lãnh thổ" của Nhật Bản và cam kết hỗ trợ Tokyo trước "sự xâm chiếm từ Trung Quốc".  
Điểm nhấn thứ hai trong dự thảo chính sách ngoại giao mới của Nhật Bản là chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tokyo vào mùa thu năm nay. 
Mặc dù, ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga do phương Tây áp đặt sau những bất đồng trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, Thủ tướng Nhật Bản vẫn hy vọng duy trì mối quan hệ ngoại giao với Moscow.
Theo đó, các nhà lãnh đạo Nga – Nhật sẽ tiếp tục thảo luận về bản hiệp ước hòa bình vốn chưa thể ký kết do những bất đồng trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước. 
Liên quan tới hiệp ước song phương năm 1855, các lãnh đạo Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền quốc gia với 2 quần đảo nam Kuril là Iturup và Kunashir cũng như 2 hòn đảo nhỏ là Shikotan và  Habomai. 
Tuy nhiên, sau Thế chiến thứ Hai, quần đảo Kuril đã chính thức trở thành một phần lãnh thổ thuộc Liên bang Nga. 
Theo Tổng thống Putin, việc Nhật Bản ủng hộ lệnh trừng phạt chống lại Nga khiến ông khá ngạc nhiên và không thể chắc chắn rằng giới chức Tokyo sẵn sàng đối thoại. 
Một trong những lý do chính buộc chính quyền của Thủ tướng Abe đưa ra dự thảo chính sách ngoại giao mới là vì các khu vực xung quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên thiếu an toàn buộc Tokyo tăng cường sức mạnh quân sự. 
Giữa tháng Năm, Thủ tướng Abe đã cho công bố kế hoạch thay đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến nhằm mở rộng năng lực quân đội quốc gia. 
Theo ông Abe, mục tiêu đầu tiên của việc thay đổi hiến pháp là nâng tầm Nhật Bản trở thành "một đối tác tương xứng với Mỹ trong việc duy trì trật tự tại châu Á" trong bối cảnh mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc ngày càng lớn và Lầu Năm Góc cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét