Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ do lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đề nghị này không được đồng tình bởi cơ quan thẩm định.
Trong chương trình kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, chiều 26/5, Quốc hội (QH) đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thay mặt Chính phủ trình QH dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật này là Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ do lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
“Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2010 là 76,3%; ước năm 2013 là 76,6%”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền dẫn chứng.
Theo người đứng đầu Bộ Lao động, thương binh và xã hội, để tránh vỡ quỹ, Chính phủ đề nghị từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Ở một số ngành nghề, làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, người lao động còn mong muốn về hưu trước tuổi
Mặc dù vậy, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án luật này, Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH không đồng tình với đề nghị nâng tuổi hưu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, hiện nay, Bộ luật lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Chiều cùng ngày, QH đã cho ý kiến vào Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh khóa 13 và năm 2014 của QH. Một số đại biểu đề nghị sớm bổ sung Luật Hành Chính công vào chương trình xây dựng Luật nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả công tác điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đang rất cấp bách như hiện nay. Các đại biểu QH cũng đồng tình lùi thời hạn trình Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp tục cụ thể hóa một số quy định mới của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi và chất lượng các dự án.
Về dự kiến xây dựng Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2015, nhiều đại biểu đề nghị phải ưu tiên cho các dự án triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục sửa đổi bổ sung ban hành mới các dự án về tổ chức Bộ máy nhà nước, tổ chức Chính quyền địa phương, các dự án về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét