Breaking News
Loading...
Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Việc quy định tuổi vàng áp dụng theo thông tư 22 sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nhưng không áp dụng sẽ bị xử phạt.

 

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, Thông tư 22/2013 của Bộ KH&CN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, tại thị trường TP HCM, hơn 3.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang trên địa bàn thành phố đang lúng túng trước thông tư này. Áp dụng theo thông tư thì thua lỗ, còn không áp dụng thì sẽ bị xử phạt. Giải pháp hiện tại cho ngành kinh doanh vàng nữ trang đang bế tắc.

Theo quy định tại Thông tư 22, vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Sản phẩm phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng Kim Sơn dù biết thời hạn 1/6 tới đây sẽ phải áp dụng quy định sản xuất và buôn bán vàng nữ trang theo quy định mới, nhưng đơn vị này vẫn chưa có giải pháp nào với gần 1.000 sản phẩm nữ trang cũ đang tồn đọng.

Ông Lý Hải Sơn, Chủ tiệm vàng Kim Sơn, Quận 11, TP.HCM băn khoăn: “Bây giờ không biết phải làm sao cho đúng pháp luật, mà nếu làm theo thì phải đem hết số vàng này đi nấu lại thì doanh nghiệp chỉ có dẹp tiệm”.

Lúng túng, không biết phải xử lý thế nào với hàng triệu sản phẩm nữ trang tồn kho không đúng tuổi là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng nữ trang hiện nay. Không dám sản xuất mới, cũng không dám đưa số hàng cũ đi phân kim nấu lại vì sẽ thua lỗ. 

Theo Hội kim hoàn mỹ nghệ TP.HCM, mọi hoạt động sản xuất gia công vàng nữ trang bị ngưng trệ gần 1 năm nay để chờ đợi động thái của Bộ KH&CN trong ngày 1/6 sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội kim hoàn mỹ nghệ TP.HCM nói: “Bây giờ doanh nghiệp sản xuất lớn nhỏ gì cũng đã ngưng hết vì làm ra không bán được cho ai, cửa hàng vàng thì không dám đặt hàng mới vì không biết xử lý của Bộ KH&CN thế nào”.

Một món nữ trang vàng 18k theo đúng quy chuẩn thì hàm lượng vàng không được thấp hơn 75%, đối với vàng 24k thì hàm lượng vàng không được thấp hơn 99,9%. Tuy nhiên, trước sự thả nổi về kiểm soát chất lượng trong một thời gian dài nên thực chất lâu nay vàng nữ trang 18k mà doanh nghiệp đang bán ra thị trường đang ăn gian tuổi vàng của người tiêu dùng (chỉ khoảng 58-68%). 
Thông tư 22 được các Hiệp hội và doanh nghiệp đánh giá là sát sườn trong công tác đo lường, tổ chức quản lý vàng trang sức mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam, đồng thời sẽ hạn chế được chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay. Nhưng cái khó của doanh nghiệp là Bộ KH&CN cho thời gian quá ngắn để có thể xử lý với lượng hàng tồn kho.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tiệm vàng Chợ Thiếc, Quận 5, TP.HCM cho biết: “Ai cũng muốn thực hiện theo pháp luật Nhà nước, nhưng thời gian ngắn quá không thể xử lý hàng tồn kịp, nếu giờ đưa hết đi phân kim thì thua lỗ, vì nếu làm đúng tuổi thì 10 sản phẩm cũ nấu ra chỉ làm được 2 sản phẩm mới theo quy định”.
Sắp tới, theo Thông tư 22 thì vàng nữ trang phải được bán đúng tuổi gần như là 100%, đây là thông tư quyết liệt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để làm được điều này thì hàng trăm câu hỏi đang được các doanh nghiệp đặt ra với Bộ KH&CN như: Xử lý như thế nào đối với vàng nữ trang hiện đang lưu hành và đang được giữ trong dân, việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng thì đơn vị nào chịu trách nhiệm, quy định về việc cấm sử dụng những chất gây hại trong nữ trang là như thế nào, hay nếu vi phạm thì mức xử phạt sẽ là bao nhiêu…
Với những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng như hiện nay thì nhiều ý kiến lo ngại việc lập lại trật tự thị trường vàng nữ trang vào ngày 1/6 tới đây là chưa khả thi...


0 nhận xét:

Đăng nhận xét