Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ dùng bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Trường quân sự West Point danh tiếng trong hôm nay (28-5) để đưa ra học thuyết mới của mình
>>Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Nga và Trung Quốc không làm bạn với nhau để chống lại bất kỳ ai"
Đánh giá nước Mỹ đang ở “giai đoạn bước ngoặt quan trọng”, học thuyết mới được cho là sẽ dựa nhiều vào ngoại giao đa phương hơn là can thiệp quân sự như trước.
Theo AP, học thuyết này là bước triển khai mới sau khi Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Và đây sẽ là bài đầu tiên trong một loạt bài diễn văn mà tổng thống Mỹ và các cố vấn sẽ đưa ra để giải thích học thuyết cho hai năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ của ông.
Ông Obama đã liên tục gặp chỉ trích trong những tháng gần đây khi bị cho là quá thụ động trong chính sách đối ngoại, từ tình hình ở Ukraine cho đến Syria, cũng như việc để Trung Quốc hoành hành tại biển Đông.
Theo Reuters, ngay sau chuyến thăm tới châu Á hồi tháng 4, ông Obama đã ra lệnh cho các trợ lý chuẩn bị bài diễn văn này để trình bày định hướng và cách ông sẽ xử lý các điểm nóng. “Tổng thống sẽ giải thích cách dùng tất cả các phương tiện chúng ta có mà không rơi vào tình trạng quá tải (về đối ngoại) - một quan chức Nhà Trắng nói với báo giới - Ông sẽ chỉ ra vì sao chính sách đúng đắn là chính sách bao gồm cả chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa quốc tế, chứ không phải là chủ nghĩa cô lập hay đơn phương”.
Kể từ khi nhậm chức, ông Obama luôn cố tránh vết xe đổ của tổng thống George W. Bush - đưa quân vào Iraq và Afghanistan - và thường dựa chủ yếu vào các biện pháp ngoại giao thay vì dùng sức mạnh quân sự.
Như ở Ukraine, ông dùng cấm vận với các quan chức và tập đoàn thân lãnh đạo Nga thay vì đe dọa quân sự. Điều này làm dấy lên e ngại ở Washington là cách đối phó với Nga sẽ khiến Trung Quốc mặc sức hoành hành tại biển Đông sau vụ hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam vì cho rằng Mỹ sẽ không can thiệp. Với Syria, ông Obama cũng hủy chiến dịch quân sự vào phút chót bất chấp từng đe dọa sẽ tấn công nếu Syria dùng vũ khí hóa học.
Một thách thức với ông Obama là làm sao tiếp tục có khả năng đe dọa với các đối thủ trong khi tránh phải sa lầy vào một chiến dịch quân sự lớn khác. “Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ khác rất nhiều so với mười năm vừa rồi khi Iraq và Afghanistan luôn là tâm điểm” - phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes giải thích.
Giới phê bình trong khi đó chỉ trích cách tiếp cận của ông Obama là quá thận trọng khiến các đồng minh thấy Mỹ có vẻ không muốn can dự vào các điểm nóng quốc tế nữa. Một số chuyên gia đối ngoại nhận định rằng chính sách quá cầu toàn và tâm lý tránh các biện pháp quân sự của ông Obama khiến Mỹ không còn sức răn đe ở trường quốc tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét